TT - Với hơn 72% số nhà yến nằm ở khu vực dân cư, UBND
huyện Cần Giờ (TP.HCM) bày tỏ lo ngại nghề nuôi yến sẽ ảnh hưởng lớn đến
đời sống người dân, chưa kể vấn đề vệ sinh môi trường, dịch bệnh...
 |
Một “pháo đài” yến mới được xây dựng, đang trong thời gian dụ yến - Ảnh: Minh Tiến | | | | |
Nhiều chuyên gia khuyến cáo hiện tượng đua nhau đầu tư
nhà yến theo phong trào sẽ tác động tiêu cực đến định hướng phát triển
du lịch sinh thái tại Cần Giờ, trong khi hiệu quả đầu tư có nguy cơ ngày
càng giảm.
Mỗi tháng mọc thêm 5-6 nhà yến
Mới 6g sáng, âm thanh từ hàng loạt loa gọi chim yến ở
xã Tam Thôn Hiệp (huyện Cần Giờ) đồng loạt vang lên rền rĩ và kéo dài
đến tận chiều tối. Với cư dân sinh sống tại đây, âm thanh này đã trở
thành nỗi ám ảnh khi mọi ngõ ngách họ đều có thể nghe chúng. “Mấy năm
rồi, từ hồi người ta kéo nhau về đây nuôi yến ngày nào cũng ồn ào vậy,
giữa trưa nắng muốn có một giấc ngủ yên cũng khó” - chị Lan, một người
bán nước giải khát ở xã Tam Thôn Hiệp, nói.
Theo chị Lan, người dân trong xã đã nhiều lần phản ảnh
đến chính quyền việc loa gọi chim gây ồn ào, nhưng khi có người tới đo
độ ồn thì lại không vượt quá tiêu chuẩn nên không xử lý được.
Ông Phạm Trọng Đức, phó trưởng phòng kinh tế UBND huyện
Cần Giờ, cho biết trong gần một năm, tính đến tháng 7-2012, Cần Giờ đã
có thêm 53 nhà nuôi yến mới được đưa vào khai thác, nâng tổng số nhà yến
trên toàn huyện lên 154 căn, tức trung bình mỗi tháng có 5-6 nhà yến
mới mọc lên.
Theo
PGS.TS Nguyễn Khoa Diệu Thu - nguyên trưởng phòng công nghệ tế bào Viện
Sinh học nhiệt đới, nghề yến ở Cần Giờ hiện phát triển quá nóng vội mà
chưa có quy hoạch. Dù Cần Giờ là vùng sinh thái rất lý tưởng, nhưng với
tình trạng xây dựng ồ ạt, chủ yếu trong một diện tích hẹp như hiện nay,
nguy cơ thiếu côn trùng làm thức ăn cho yến sẽ rất cao.
|
Xã
Tam Thôn Hiệp là khu vực nuôi yến rầm rộ nhất với 98 nhà yến, chưa kể
những nhà đang trong quá trình xây dựng. Dọc con đường qua Tam Thôn
Hiệp, những ngôi nhà nuôi yến ba tầng sừng sững như pháo đài, đen đúa và
không cửa nẻo xuất hiện dày đặc hai bên đường.
“Hiện tượng người dân các nơi đổ xô về Cần Giờ xây nhà
nuôi yến hiện vẫn còn tiếp diễn. Toàn bộ 127 trên tổng số 154 nhà yến
đang khai thác ở huyện Cần Giờ đều do chủ đầu tư xin giấy phép xây dựng
nhà ở, sau đó chuyển công năng sang nuôi chim yến. Nuôi chim yến ở
TP.HCM hoàn toàn không bị cấm nên vẫn chưa có biện pháp thích hợp nào để
xử lý” - ông Đức nói.
Nhiều nguy cơ tiềm ẩn
Mặc dù tỉ lệ nhà yến có chim đến làm tổ đang giảm theo
thời gian, nhưng điều này vẫn không làm các nhà đầu tư ngán ngại. Theo
số liệu của huyện Cần Giờ, tỉ lệ nhà yến xây dựng từ năm
2006-2008 có chim đến làm tổ là 100%. Năm 2010, tỉ lệ này giảm rất mạnh chỉ còn 29%, trong khi số nhà yến vẫn tăng từng ngày.
Theo ông Trần Thuận - chủ nhiệm CLB sinh vật cảnh Giao
Châu, do số nhà yến được xây mới đang tăng nhanh, đàn yến không phát
triển kịp số lượng. “Việc các nhà đầu tư vội vàng làm theo phong trào
nhưng không có thời gian thăm dò, tìm hiểu có thể dẫn đến lãng phí tiền
của, không đạt được hiệu quả về kinh tế” - ông Thuận cảnh báo.
Ông Lê Danh Hiển - phó giám đốc Công ty yến sào Hoàng
Yến - cũng cho rằng nếu nhà yến được xây dựng và sử dụng thiết bị không
đạt những tiêu chuẩn kỹ thuật, không tạo được môi trường thật giống với
tự nhiên cho yến vào ở thì sẽ khó thành công.
Ông Hiển cũng bày tỏ lo ngại trong thời gian tới số nhà
yến ở Cần Giờ sẽ nhanh chóng vượt quá tầm kiểm soát, vượt khỏi định
hướng quy hoạch thành một làng nghề tập trung kết hợp phát triển du lịch
sinh thái. Theo ông Hiển, việc quy hoạch ngành nghề nuôi yến ở TP.HCM
đã đi chậm hơn rất nhiều so với thực trạng phát triển của nghề này tại
Cần Giờ.
Trong báo cáo gửi UBND TP.HCM mới đây, huyện Cần Giờ
cho rằng việc có tới 111 nhà yến (chiếm 72%) trên địa bàn trong khu dân
cư là một điều rất đáng lo ngại. Với xu hướng phát triển theo kiểu tự
phát, khi bầy yến tăng đàn có thể ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân
các hộ xung quanh. Đồng thời điều này cũng gây khó khăn cho các ngành
chức năng trong việc quản lý tình hình vệ sinh môi trường, dịch bệnh.
Theo MINH TIẾN(Tuổi trẻ online)